Sau khi báo Dân trí phát giác việc bán xăng điêu, phải thừa nhận tôi đã không giấu diếm sự hoài nghi mỗi lần mua xăng bằng cách chăm chú quan sát đồng hồ, mặc kệ sự khó chịu của người bán.

Liệu có ngờ vực vô căn cứ? Tôi đã cố gắng suy nghĩ một cách tích cực và lạc quan rằng cái xấu, người xấu ở đâu cũng có, nó ít hơn điều thiện và người tốt. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tâm trạng ngờ vực, tâm lý cảnh giác cứ lấn át những gì tốt đẹp mình mong muốn, mình hy vọng.

Trong khu vực dịch vụ, dân ta, đặc biệt người miền Bắc, vốn quen chịu đựng sự hống hách, kiêu ngạo của nhân viên cửa hàng lương thực - thực phẩm thời bao cấp nên họ phải che giấu sự bực bội để miễn cưỡng tỏ thái độ “kính trọng” pha chút nể vì và dĩ nhiên chẳng mấy tin cậy những người này. Do đó, chuyện người bán xăng gian dối cũng không có gì quá bất ngờ, lạ lẫm. Nó chỉ giúp ai đó nhớ lại sự điêu chác đầy quyền lực ở nhiều cửa hàng bách hoá thời xưa.

Thế nhưng, trong giáo dục và y tế, hai bông hoa đẹp tượng trưng cho sự ưu việt của chế độ mà tuột dốc không phanh thì dư luận thấy sốc thực sự.

dsc_4328.jpg
Người thầy (thầy giáo, thầy thuốc) liệu vẫn còn là biểu tượng cho sự nhân hậu, mực thước và mô phạm? - Ảnh minh họa: Huy Phương

Chuyện giáo dục nói nhiều rồi, tôi muốn đề cập mấy sự kiện động trời trong ngành y xảy ra liên tiếp mấy ngày qua.

Đấy là 3 cháu bé chết sau khi tiêm vacine, là trẻ sơ sinh ở Quảng Nam bác sỹ bảo chết nhưng vẫn sống, là câu chuyện mất nhân tính ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) khi “nhân bản” kết quả xét nghiệm.

Trong cuộc sống, có mặt hàng người mua không mặc cả, đó là thuốc chữa bệnh. Bình thường người bán nói sao mua vậy. Có nghĩa là người mua đặt lòng tin vào thương hiệu sản phẩm và uy tín của nhà thuốc.

Trong cuộc sống có những điều mà người nghe phục tùng và tin cậy, đó là lời bác sỹ nói với bệnh nhân. Đây có lẽ là nơi duy nhất mà người ta không thể áp dụng lối suy nghĩ có tính phê phán, vì thế không được phép hoài nghi.

Thế nhưng, liệu rằng mọi lẽ thông thường như thế có bị đổi thay sau những sự việc nêu trên?

Dẫu đã rất rạch ròi và cảm thông khi “hai bông hoa đẹp” đang từ bao cấp - miễn phí dò dẫm bước sang lãnh địa của “thị trường” nhưng sự mai một niềm tin ở đây là có thực. Người thầy (thầy giáo, thầy thuốc) liệu vẫn còn là biểu tượng cho sự nhân hậu, mực thước và mô phạm?  

Trong quan hệ bang giao chúng ta kêu gọi phải xây dựng lòng tin chiến lược để ổn định và hợp tác lâu dài. Vậy mà với quan hệ gần gũi hơn, trong cùng một cộng đồng, giữa con người với con người, lòng tin lại cứ  ngày càng xa.

Như mọi người, tôi đang nghe ngóng những động thái từ ngành y tế. Nhưng xin đừng nói lại câu cửa miệng “Con sâu làm rầu nồi canh” để lý giải cho những trường hợp này. Vì nó chỉ như một thứ thuốc an thần, kiểu AQ, vì nó quá nhàm, quá sáo. Phải đặt vấn đề rằng ở một số khu vực chúng ta không được phép để lọt bất kỳ “con sâu” nào.

Mấy bữa trước phóng viên hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về bệnh viện thì bà nói đi hỏi Nhà nước, nhưng với những sự việc như trên thì đích thân bà phải trả lời thôi./.