Đây là bản sao Bộ chính sử của triều Nguyễn do trường Đại học Kieo (Khánh Ứng) - Nhật Bản sưu tầm, ấn hành từ năm 1961.

Bộ chính sử nhà Nguyễn là “Đại Nam thực lục” gồm 2 phần, tiền biên và chính biên, do Quốc sử quán tổ chức biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Bảo Đại thứ 14 (1939). Một phần của bộ chính sử, giai đoạn từ thời Gia Long đến Đồng Khánh, được khắc bản gỗ để in lên giấy bản. Phần còn lại từ thời Thành Thái, Duy Tân và Đại Nam thực lục chính biên thời Khải Định được chép tay thành 6 bản để bảo quản.

ho_tan_phan_copy_cpvi.jpg
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (Huế) bên bộ Đại Nam thực lục do Trường Đại học Kieo sưu tầm và phát hành.

Trải qua chiến tranh và thời gian, phần lớn các bản chép tay bị thất lạc và chỉ được bổ sung vào năm 2003, khi một nhà nghiên cứu gốc Việt tìm thấy trong thư viện Trường Viễn đông bác cổ ở Paris (Pháp) một bản chép tay đầy đủ về giai đoạn Thành Thái cho hết thời Khải Định.

Trước đó, từ năm 1961, Trường đại học Keio (Nhật Bản) đã nghiên cứu, sưu tầm, sao chụp đúng nguyên dạng Đại Nam thực lục đã được in bằng mộc bản suốt 21 năm, gồm hơn 550 quyển với gần 33.000 trang; sau đó tổ chức in lại tại Nhật Bản thành 20 tập, với 8.131 trang phục vụ giới nghiên cứu ở Nhật và quốc tế.

Việc phát hiện Bộ chính sử của triều Nguyễn in ấn, phát hành ở Nhật Bản được xem là một cứ liệu quan trọng, là một trong những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết, trong bộ lịch sử này có 17 đoạn đề cập và xác định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Theo ông, đó là một tư liệu tổng quát rất nhiều hình thức từ việc khai thác nguồn lợi kinh tế đến việc đo đạc, việc đặt cột mốc cho đến việc xây dựng từ đời này sang đời khác./.