Như lời Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định, trải qua chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đầy gian lao thử thách, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng quân, dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, có những chiến công như huyền thoại. Và những chuyến tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam, mà tiêu biểu là chuyến đi đầu tiên với 13 thủy thủ trên con tàu mang tên Phương Đông 1 là một dấu son trong lịch sử.  

Mở đường vận tải chiến lược trên biển

Để thực hiện quyết tâm tổ chức con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam, Quân uỷ Trung ương cho tiến hành chuyến trinh sát đường biển "nghiên cứu tuyến đi từ miền Bắc vào Nam Bộ và báo cáo với Khu uỷ Khu 9 chủ trương của Trung ương về việc đưa vũ khí vào Nam Bộ...".

Đêm 10/4/1962, tàu Trinh sát xuất phát, đến đêm 18/4/1962 vào đến Vàm Lũng (Cà Mau). Ngày 26/7/1962, tàu Trinh sát rời Vàm Lũng, đến đêm 1/8/1962 về đến miền Bắc.

tau_khong_so_jtri.jpgSơ đồ đường đi của tàu Phương Đông 1 (Nét đứt Phương án 1, nét liền Phương án 2)

Theo Đại tá Trần Phong, nguyên Đoàn trưởng Đoàn tàu không số 125 Hải quân, sau khi nghe đồng chí Bông Văn Dĩa- thuyền trưởng tàu Trinh sát báo cáo, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao nhiệm vụ thực hiện chuyến đi đầu tiên chở 30 tấn hàng quân sự vào Nam. Tháng 8 năm đó, Thường trực Quân uỷ Trung ương ra nghị quyết về Tổ chức con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Và sau 2 tháng chuẩn bị, tàu thực hiện chuyến đi.

Trong buổi tiễn đưa, Phó Thủ tướng Phạm Hùng thay mặt Trung ương Đảng và Chính Phủ nói, đại ý: Liên Xô có Gagarin đưa tàu Phương Đông 1 vào vũ trụ. Các đồng chí là những người “khai sơn phá thạch” con đường biển này, đem tình cảm của miền Bắc tới miền Nam, đem ý chí quyết tâm đánh Mỹ, giải phóng miền Nam của Đảng vào việc mở đường chiến lược trên biển. Trung ương hi vọng các đồng chí sẽ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó. Với ý nghĩa sâu sắc và lớn lao như vậy nên Tàu số 1 đi chuyến đầu tiên này được mang tên Tàu Phương Đông 1.

Đại tá Trần Phong cho biết, Đảng uỷ Đoàn 759 ra Nghị quyết nhấn mạnh: Thành công chuyến đi đầu tiên khai thông đường vận chuyển có tính chất quyết định chiến lược, đó là một nhiệm vụ tối quan trọng, và yêu cầu: Tất cả đều phải có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vu, khi cần phải hy sinh.

“Việc chuẩn bị hàng hoá phải thật chu đáo, tất cả được thống kê bằng mật mã, chỉ có đồng chí phụ trách mới biết. Về đối phó với địch, phải nắm vững nguyên tắc: khi bị lộ phải thủ tiêu tất cả hàng vận chuyển bằng cách đốt, nổ, không để lại dấu vết gì cho địch biết, phải chiến đấu dũng cảm với địch, vừa chiến đấu vừa thủ tiêu hàng, hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng”, đại tá Trần Phong nói.

Đội tàu được lựa chọn gồm tất cả 13 người: đồng chí Lê Văn Một là Thuyền trưởng - Chi uỷ viên; đồng chí Bông Văn Dĩa là Chính trị viên - Bí thư Chi bộ; đồng chí Huỳnh Văn Sao là Máy trưởng - Chi uỷ viên cùng 10 người khác.

22h, ngày 11/10/1962, Tàu xuất phát từ Đồ Sơn (Hải Phòng), đến 5h ngày 19/10/1962 cập bờ, 7h vào đến bến Vàm Lũng (Cà Mau). Tổng số thời gian là 7 ngày, 8 đêm, 9 giờ với hành trình là 1.040 hải lý (1.930 km), chở được 30 tấn hàng quân sự đến bến. Hàng hóa và người đều tuyệt đối an toàn.

Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương

Đại tá Trần Phong,nguyên Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân nhấn mạnh, một ý đồ, quyết tâm chiến lược đúng, phù hợp tình hình và đòi hỏi khách quan đã là quan trọng, nhưng đi đến thành công lại là một công phu lớn lao nữa của cấp chiến lược và cả các cấp thực hiện. Nhờ sự quan tâm từ cấp chiến lược nên từ trên xuống dưới có sự chấp hành, hiệp đồng, hiệp trợ hoàn hảo.

“Chi bộ Tàu đã xây dựng được một tập thể “thép”, đoàn kết một lòng , sẵn sàng hy sinh phấn đấu, tất cả hướng đến mục đích chuyến đi là đưa chuyến hàng quân sự đầu tiên của miền Bắc vào được cực Nam Tổ quốc”, Đại tá Trần Phong khẳng định. 

Đại tá Trần Phong (trái)- nguyên Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân trò chuyện cùng bạn lính già nhân dịp kỷ niệm 60  Ngày thành lập HQNDVN

Trong hành trình, cán bộ, chiến sĩ Tàu Phương Đông 1 đã vận dụng một cách kiên quyết, sáng tạo những kế hoạch và yêu cầu đề ra. Máy hỏng nhiều lần nhưng đều được thay thế, khắc phục; chuyển đường hành trình từ Phương án 1 (qua Di Linh đi thẳng ra phía Đông Bắc đảo  Lin Côn (quần đảo Hoàng Sa) chuyển về Nam, sang Phương án 2 (qua Di Linh chuyển hướng về phía Nam đi giữa quần đảo Hoàng Sa và Đà Nẵng) trong điều kiện thực tế, sóng gió to, tàu nhỏ chở hàng đầy.

Khi Tàu Phương Đông 1 đưa hàng đến bến an toàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, nói: “Tính ra theo đường biển, tàu chở được 30 tấn, trang bị được cho một Tiểu đoàn, tàu chạy 9 ngày, với một Tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người đi trong 5 tháng không kể những khó khăn, trở ngại trên đường 59A Trường Sơn mà ta đã tiến hành xây dựng trong những năm qua”.

Nhận được tin vui, Bác Hồ gọi điện biểu dương những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đã đóng góp công sức để lập nên chiến công xuất sắc. Người chỉ thị nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà.

Tiếp nối thành công của tàu Phương Đông 1, những chuyến hàng quân sự tiếp tục được Đoàn 125 đưa vào các tỉnh Nam Bộ, vào Khu 5 bằng tàu gỗ và tàu sắt đã góp phần quan trọng cùng quân dân Nam Bộ làm nên “Ấp Bắc”, “Bình Giã”, phá sản chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”,… báo hiệu sự thất bại của chiến lược bình định miền Nam; xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho ta./.